Một nghiên cứu quốc tế phát hiện rằng những người xa rời thiện lương thường dễ bị chán nản, lo lắng.
Trong hoàn cảnh COVID-19 lan tràn khắp thế giới, hàng triệu người trong chúng ta đã không ngừng tìm kiếm nơi trú ẩn để lánh nạn. Không chỉ bị cách ly tại nhà, chúng ta còn tự đặt lên một bức tường vô hình nhắm tránh phải chứng kiến những nỗi đau khổ trên thế giới. Hơn một năm qua, chúng ta dễ dàng nghĩ rằng tự lo cho bản thân sẽ tốt hơn so với việc tìm cầu sự giúp đỡ bên ngoài.
Tuy nhiên một nghiên cứu mới đây cho thấy rằng việc trốn tránh lòng khoan dung dưới danh nghĩa an toàn không thể bảo vệ được chính mình như chúng ta mong muốn. Nhóm nghiên cứu phát hiện rằng việc ngừng thể hiện lòng tốt trong suốt mùa dịch có thể gây hại cho sức khỏe tinh thần của chúng ta, và làm rạn nứt các mối quan hệ xã hội vốn duy trì hạnh phúc của con người.
Leah Weiss, một giảng viên sáng lập của chương trình đào tạo nuôi dưỡng lòng tốt thuộc trường Đại học Stanford, đã phát biểu: “Nghiên cứu này cho thấy hậu quả nguy hại của việc nghiền áp bản năng kết nối với mọi người của chúng ta”.
“Khi chúng ta để cho quan niệm sợ hãi, lo lắng dẫn dắt, chúng ta dễ xa lánh và cô lập chính mình. Khi chúng ta càng xa lánh và cô lập thì lại càng thêm lo sợ, và cứ thế lặp đi lặp lại vòng tuần hoàn tiêu cực như vậy,” Weiss nói. “Tất cả mọi thứ dường như trở nên quá xa vời với chúng ta, và rồi khiến chúng ta không thể trụ vững nổi nữa”.
Để tìm hiểu về quan niệm đối với giá trị thiện lương ảnh hưởng tới hạnh phúc của mọi người thế nào trong suốt mùa dịch, nhà tâm lý học trường Đại học Coimbra, cô Marchela Matos và nhóm của cô đã khảo sát hơn 4000 người đến từ 21 quốc gia bao gồm Brazil, Australia, Saudi Arabia, và Hoa Kỳ. Tất cả người tham gia đã thực hiện một cuộc khảo sát trực tuyến vào mùa xuân năm 2020, biểu đạt quan điểm của họ về giá trị thiện lương, cũng như trạng thái tâm lý và sức mạnh trong các mối quan hệ xã hội của họ.
Nhóm đặc biệt chú tâm về thái độ sợ hãi lòng trắc ẩn được ghi trong các tờ phiếu điền khác nhau. Trong đó một số người tỏ ra lo ngại rằng những phản ứng thiện tâm sẽ mang đến những cảm xúc khiến họ thấy áy náy, hoặc khiến họ thiệt thòi. Những người khác thì tin rằng việc thể hiện lòng trắc ẩn cũng tương đương với sự yếu đuối, hoặc những người xung quanh họ không đáng để được đối xử tốt.
Khi mọi người mang theo các loại quan niệm này, một cách có ý thức hoặc không ý thức, họ đã ngăn chặn thiện lương trong họ, và thất bại trong việc quan tâm đến những người có hoàn cảnh khó khăn hoặc trong việc giúp đỡ những người đang trong cơn khủng hoảng.
“Đây là một phần nguyên nhân ức chế làm ngăn cản tính lương thiện trong họ được khơi dậy và thể hiện ra,” Matos nói.
Khi nhóm tiến hành phân tích khảo sát, họ phát hiện rằng những người bày tỏ nỗi sợ hãi khi thể hiện lòng trắc ẩn với chính họ hay với những người xung quanh thường dễ cảm thấy bất an, lo lắng, căng thẳng trong mùa dịch. Nỗi sợ lòng tốt cũng dường như phóng đại thêm cảm giác sợ hãi COVID-19 của những người này: Trong khi virus mang đến những áp lực trong tâm lý mọi người, thì áp lực này càng nặng hơn ở những người sợ phải hành xử tốt hay được đối xử tốt.
“Chìa khoá ở đây là hiệu ứng rủi ro này – về tác động phóng đại do ảnh hưởng của nỗi sợ lòng tốt – đã rất phổ biến rồi,” Matos nói. “Họ dễ bị tổn thương hơn trước những tác động tiêu cực do cảm giác bị virus đe dọa gây ra đối với sức khỏe tinh thần của họ”.
Người mang nỗi sợ làm người tốt cũng nói rằng họ thấy ít kết nối với những người xung quanh hơn.
Các chuyên gia cho biết những phát hiện của Matos khá phù hợp với những nghiên cứu trước đó cho thấy những tác động phá hoại của cô lập và xa lánh lên sức khỏe tinh thần.
“Sự cô lập xã hội không chỉ liên quan đến sự cô đơn, lo lắng và mệt mỏi, mà còn làm tăng nguy cơ tăng huyết áp, viêm nhiễm, suy giảm nhận thức và nghiện ngập,” nhà tâm lý học người Úc Hugh Mackay, tác giả cuốn “Cuộc cách mạng tử tế” cho biết.
“Việc phục hồi các mối liên kết xã hội chính là thách thức lớn nhất trong cộng đồng của chúng ta,” ông nói.
Ở một khía cạnh nào đó, người chọn sống lương thiện trong hoàn cảnh căng thẳng dường như cảm thấy hạnh phúc bền vững hơn. Chương trình nuôi dưỡng thiện tâm ra đời cũng là để làm giảm đi nỗi sợ thiện lương của mọi người trong suốt mùa dịch, dựa trên kết quả sơ bộ từ các nghiên cứu khác của Matos. Các nghiên cứu khác cho thấy rằng chương trình nuôi dưỡng thiện tâm thúc đẩy sự hoạt hoá của hệ thống thần kinh đối giao cảm, vốn là nhân tố giúp giữ bình tĩnh và giúp chúng ta hồi phục sau stress.
“Thiện lương là động lực cho những quan tâm và thấu hiểu khổ đau,” Matos nói. “Kích hoạt động lực này liên quan đến cơ chế điều hoà sinh lý rất quan trọng đối với sức khỏe của chúng ta”.
Người đang phải chống chọi với những vấn đề sức khỏe tinh thần cũng nên tìm kiếm một liệu pháp tập trung vào giá trị thiện lương (CFT compassion-focused therapy.) Liệu pháp này giúp bệnh nhân nuôi dưỡng lòng khoan dung, từ đó có thể chữa lành tổn thương và định hướng sống rõ ràng hơn.
Thêm vào đó, các chuyên gia trị liệu có thể giúp mọi người thoát khỏi sự cô lập bằng cách giúp họ cảm thấy thoải mái hơn với những cách thể hiện lòng nhân ái và sự kết nối khác nhau.
“Trong bối cảnh COVID,” Weiss nói, “những lúc chúng ta thấy lo ngại khi ở khoảng cách gần với người khác, có lẽ chúng ta nên nghĩ theo hướng thế này, “Ồ, có cách nào để tương tác ảo không?” hoặc bạn có thể thiết kế một không gian mà bạn có thể đặt một chiếc đệm cho bản thân, cho con bạn, ở một khoảng cách mà bạn thấy an toàn? Bởi vì khi bạn càng tự cô lập mình, bạn sẽ càng khó kiên trì đến cuối cùng.
Một nghiên cứu cho thấy ở cấp độ công dân và tổ chức, nếu thông điệp kiểm soát dịch bệnh nhấn mạnh việc bảo vệ cả cộng đồng – lấy ví dụ, “Giúp cứu vớt những người dễ bị tổn thương nhất trong chúng ta. Cùng nhau, chúng ta có thể ngăn chặn virus corona”, chứ không phải “Virus corona đang xảy đến với bạn” – sẽ có hiệu quả hơn trong việc động viên mọi người tuân theo các biện pháp y tế để chặn đứng COVID-19.
Matos nói bên cạnh việc làm giảm sự lan rộng của virus, thông điệp về lòng trắc ẩn, sống vì cộng đồng khuyến khích mọi người quan tâm lẫn nhau theo cách mà tất cả mọi người tham gia đều được hưởng lợi.
Một khi mọi người nhận ra rằng lòng trắc ẩn mang lại lợi ích cho họ trong khoảng thời gian khó khăn này cũng như mang lại lợi ích cho người khác, nó có thể thúc đẩy họ thoát ra khỏi vòng xoáy cô lập.
“Chúng ta nỗ lực vì sự kết nối xã hội, vì cộng đồng, vì sự tử tế và lòng nhân ái, bởi vì đó là những con đường hướng đến sự hoà hợp và hợp tác xã hội,” Mackay nói “Nếu bạn có thể tìm ra cách để giải quyết khó khăn cho người khác, thì những lo toan của chính bạn cũng sẽ tan biến theo”.
Theo The Epochtimes